Bác Sĩ Cho Cầu Thủ – Tưởng Không Khó Nhưng Khó Không Tưởng

Mất:3 phút, 24 giây để đọc

Nhiều người nghĩ rằng, nghề bác sĩ cho cầu thủ chỉ đơn giản giống như bác sĩ gia đình bình thường. Thế nhưng, không ai biết rằng đây là một nghề đầy áp lực và cực khổ.

Nghề bác sĩ cho cầu thủ: Không chỉ nói là được

Sau khi các cầu thủ U23 Việt Nam lập nên nhiều kỳ tích ở Thường Châu; mọi vấn đề, con người liên quan đến những chàng trai này cũng được chú ý. Các vị bác sĩ đi theo chăm sóc cho đội tuyển cũng được người hâm mộ quan tâm. Theo lời tâm sự của bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, ông vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc bồi hồi; xúc động và lo lắng cho các cầu thủ U23 Việt Nam vào 2 năm trước.

Ông chia sẻ, nghề bác sĩ vốn dĩ trên vai đã nặng trĩu gánh nặng. Thế nhưng, đứng ở cương vị bác sĩ cho các cầu thủ – những người được ví như “tài sản quốc gia”; áp lực này lại tăng gấp bội lần. Bởi lẽ, nếu bất kỳ một cầu thủ nào không được chăm sóc và điều trị chấn thương đúng cách; nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người đó, mà còn tác động đến cả đội bóng. Mà niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt lại luôn hướng về và gửi gắm vào họ.

Trận đấu trong tuyết Thường Châu 2018

Bức ảnh chụp “tự sướng” cùng các cầu thủ đội tuyển Việt Nam tại Thường Châu năm 2018 làm bác sĩ Thủy bật cười. Trong ảnh, anh cầm chiếc điện thoại, thủ môn Bùi Tiến Dũng đứng cạnh cầm thêm cục tuyết, Đức Chinh, Văn Hậu… đứng phía sau, ai cũng hớn hở dù thời tiết lạnh cóng. Tất cả chỗ áo khoác; mũ len; găng tay… đều là do bác sĩ Thủy chuẩn bị cho các cầu thủ để giữ ấm khi sang Thường Châu. Những ngày ở Thường Châu trước trận chung kết; anh vẫn thường đi mua gừng; pha trà gừng cho các cầu thủ uống giữ ấm bụng.

Bác sĩ Thủy (đầu tiên, phải) và các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam trước trận chung kết giải U23 Châu Á.
Bác sĩ Thủy (đầu tiên, phải) và các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam trước trận chung kết giải U23 Châu Á.

Nhớ nhất là trong trận chung kết hôm đó, cầu thủ Bùi Tiến Dũng bị đánh đầu sứt vào môi; chảy máu rất nhiều. Vết thương ở môi không thể băng bó để cầm máu, còn nếu khâu lại thì phải mất từ 3-5 phút. Ngay tức khắc, bác sĩ Trọng Thủy lấy ra dụng cụ khâu “giống y như chiếc dập ghim. Trở về nhà sau trận đấu hôm đó, bác sĩ Thủy phải tháo chỉ ra khâu lại cẩn thận cho Dũng; chỉ định uống thuốc và lên phác đồ điều trị cụ thể.

Chữa trị chấn thương cho cầu thủ

Theo đội tuyển U23 Việt Nam suốt mùa giải; “cũng có những quyết định ‘cân não’ hơn”; bác sĩ nhớ lại. Trước trận bán kết đá với đội Qatar; thủ môn Bùi Tiến Dũng bị chấn thương đầu gối. Chấn thương này có từ trước nhưng hôm đó Dũng đau nhiều hơn; không thể tham gia được hết bài khởi động. Huấn luyện viên Park Hang Seo và huấn luyện viên thủ môn Nguyễn Đức Cảnh giao toàn bộ quyết định Dũng có chơi được tiếp không cho bác sĩ Trọng Thủy.

Cả ngày hôm đó, anh trằn trọc, suy nghĩ, vừa nghĩ cách làm sao phục hồi chấn thương cho Dũng, vừa tìm bài test phù hợp để sáng mai Dũng làm thử, có kết quả mới báo cáo được lên huấn luyện viên. Sau khi điều trị vết thương cho Bùi Tiến Dũng bằng thuốc và các phương pháp phục hồi vật lý trị liệu, đến sáng hôm sau, bác sĩ Thủy và Dũng dậy sớm, thực hành các bài kiểm tra vận động cơ chân. May mắn, chân Dũng hoạt động được trở lại.

Theo VnExpress

Bảo Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.